Tránh giao tiếp bằng mắt nghĩa là gì và phải làm gì khi người đối diện làm điều đó với bạn?

Tôi ghét việc giao tiếp bằng mắt, và tôi nghĩ rằng đó là bởi vì tôi không biết làm thế nào để có cuộc nói chuyện bình thường với mọi người. Tôi lúng túng và nhìn đi chỗ khác vì cảm thấy khó xử. Tôi nghĩ điều đó đang cản trở việc tạo ra sự kết nối nhưng giao tiếp bằng mắt khiến tôi không thoải mái. Tôi có thể sửa điều này bằng cách nào?

Có rất nhiều lý do tại sao chúng ta tránh giao tiếp bằng mắt. Đó là một vấn đề chung mà nhiều người phải vật lộn. Tôi sẽ thảo luận về một số lý do phổ biến tại sao nó xảy ra và bạn có thể làm gì để cải thiện vấn đề này.


Nếu bạn không thể giao tiếp bằng mắt trong suốt cuộc trò chuyện, bài viết này chính là dành cho bạn. Bạn cũng có thể xem hướng dẫn chính của chúng tôi về việc làm thế nào để giao tiếp bằng mắt một cách thoải mái hơn



Bài viết sẽ nói về các phần sau:



  1. Tránh giao tiếp bằng mắt có nghĩa là gì?
  2. Cách duy trì việc giao tiếp bằng mắt
  3. Những câu hỏi thường gặp



Tránh giao tiếp bằng mắt có nghĩa là gì?



Khi ai đó nhìn đi chỗ khác trong khi nói chuyện với bạn, điều đó có nghĩa là gì?


Đôi khi một người nhìn đi chỗ khác trong khi nói chuyện là điều bình thường. Tuy nhiên, việc làm gián đoạn quá trình giao tiếp bằng mắt trong khi đang nói chuyện có thể là một dấu hiệu cho thấy người kia không còn cảm thấy kết nối với bạn nữa. Đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy họ muốn thay đổi chủ đề hoặc kết thúc cuộc trò chuyện.


Nếu ai đó không giao tiếp bằng mắt với bạn, cố gắng không tiếp cận riêng tư và đừng thu hút sự chú ý của họ. Như bạn đã biết, giao tiếp bằng mắt thường là một phản xạ vô thức của cảm xúc. Họ có thể đã biết về điều này và việc bạn bắt họ tự ý thức hơn về nó sẽ không đem lại bất cứ lợi ích gì cho bạn.


Thay vào đó, hãy tập trung sự chú ý của bạn vào việc làm cho đối phương cảm thấy thoải mái hơn. Mỉm cười với họ. Hãy lắng nghe họ một cách toàn tâm toàn ý. Xác nhận những câu chuyện hoặc cảm xúc của họ. Hãy dành cho họ những lời khen chân thành. Nếu bạn tỏ ra thích thú khi ở cùng họ, họ có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn với sự hiện diện của bạn.



Những lý do khiến một ai đó không giao tiếp bằng mắt


Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến không giao tiếp bằng mắt. Dưới đây là một vài lý do phổ biến nhất:

  • Nhút nhát
  • Cảm thấy lo lắng hoặc không thoải mái khi nói chuyện với ai đó
  • Hội chứng sợ xã hội (Social Anxiety)
  • Sợ giao tiếp bằng mắt
  • Rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder)
  • Mặc cảm xã hội



Cách duy trì việc giao tiếp bằng mắt


Nếu bạn không thể giao tiếp bằng mắt (hoặc bạn tránh né nó), hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất như vậy. Bạn không phá vỡ và không bị kết tội vì những tương tác xã hội kém! Hãy cùng tìm hiểu một số chiến lược có thể giúp bạn duy trì việc giao tiếp bằng mắt nhé!




1.                 Xác định những tình huống mà bạn phải đối mặt


Khi nào việc giao tiếp bằng mắt là khó khăn nhất đối với bạn? Bạn có nhận thấy rằng bạn phải nỗ lực nhiều hơn với một số kiểu người nhất định, như những người có chức quyền hoặc người lạ? Có bất kỳ tác nhân nào khác ảnh hưởng đến việc giao tiếp bằng mắt của bạn hay không?


Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những tình huống này. Bạn nên biết mình thuộc kiểu nào. Nếu bạn nhận thức được điều đó, bạn có thể tạo ra những bước thay đổi tích cực.



2.                      Hãy cam kết cho mình thời gian để cải thiện


Việc thành thạo kỹ năng giao tiếp bằng mắt không xảy ra trong một sớm một chiều. Đó là một kỹ năng xã hội đòi hỏi thời gian và sự luyện tập. Bạn sẽ không làm chủ nó ngay lập tức và điều đó không sao cả. Bạn nên liên tục nhắc nhở bản thân rằng sự thay đổi cần có thời gian.



3.                      Đặt mục tiêu nhỏ


Đặt mục tiêu hàng tuần cho chính mình về giao tiếp bằng mắt. Để chúng nhỏ và dễ quản lý. Ví dụ, có thể bạn sẽ cố gắng giao tiếp bằng mắt với nhân viên thu ngân khi tới cửa hàng tạp hóa vào lần. Hoặc, bạn có thể tập trung giao tiếp bằng mắt với sếp khi bạn yêu cầu điều gì đó. 


Nếu bạn muốn đạt được mục tiêu của mình, hãy làm mọi thứ có thể để tự thiết lập thành công cho bản thân. Viết nó ra. Đọc nó vào mỗi buổi sáng. Vào cuối tuần, hãy viết ra bạn đã thực hiện chúng như thế nào. Bạn đã thành công chưa? Nếu chưa, bạn cần làm gì khác vào lần sau?


Hãy nhớ ăn mừng những cột mốc nhỏ. Khen ngợi bản thân vì những tiến bộ bạn đang đạt được! Nó sẽ khuyến khích bạn tiếp tục luyện tập.



4.                      Thực hành khi bạn ở một mình


Có thể hơi kỳ lạ, nhưng bạn có thể tự rèn luyện kỹ năng giao tiếp một mình. Trò chuyện với bản thân và nhìn vào gương khi bạn nói chuyện. Cố gắng duy trì giao tiếp bằng mắt với chính mình.


Hãy thử làm điều này một vài lần một tuần. Cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp bằng mắt. Bạn cũng có thể nhận biết rõ hơn khi nào mình cảm thấy lo lắng hoặc nhìn đi chỗ khác.



5.                      Luyện tập với những người đem lại cho bạn cảm giác thoải mái


Luyện tập các kỹ năng xã hội mới với những người an toàn luôn là một ý kiến ​​hay. Những người an toàn của bạn có thể bao gồm bạn bè, cộng sự, gia đình hoặc nhà trị liệu của bạn.


Nếu bạn cảm thấy thoải mái, bạn thậm chí có thể nói với họ rằng bạn đang cố gắng để giao tiếp bằng mắt tốt hơn. Hỏi họ xem liệu họ có sẵn sàng đưa ra những ý kiến phản hồi hoặc yêu cầu bạn phải chịu trách nhiệm về mục tiêu của mình hay không. Rất có thể, những người thân yêu của bạn sẽ rất vui khi được hỗ trợ bạn.



6.                      Hãy cởi bỏ chiếc kính râm của bạn


Kính râm là thứ giúp đỡ và để bạn nương tựa vào và việc đeo kính râm sẽ không cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng mắt của bạn. Nếu bạn muốn cam kết có thể tiến bộ, hãy loại bỏ chúng khi nói chuyện với người khác. Làm như vậy cho phép bạn tập trung vào việc xây dựng kỹ năng này. 



7.                      Thiết lập sự giao tiếp bằng mắt ngay lập tức


Đừng đợi người khác khởi đầu. Nếu bạn đang ở một nơi nào đó mới, hãy giao tiếp bằng mắt với những người trong phòng. Kết hợp với một nụ cười. Điều này mang lại cảm giác tự tin, ngay cả khi bạn cảm thấy rất lo lắng.



8.                      Hãy để ý màu mắt của người khác


Lần tới khi bạn nói chuyện với một người lạ, hãy nhìn vào màu mắt của họ. Quá trình này - nhìn và nhận biết - mất khoảng 4 - 5 giây. Đó là khoảng thời gian thích hợp để duy trì giao tiếp bằng mắt. Hãy ghi nhớ điều đó khi bạn gặp ai đó lần đầu.



9.                      Vẽ một tam giác tưởng tượng để biết nên nhìn vào đâu


Mẹo này đến từ The Muse và nó có thể thực sự hữu ích nếu bạn loay hoay không biết nhìn vào đâu khi giao tiếp bằng mắt. Nếu bạn cảm thấy lúng túng khi nhìn thẳng vào mắt ai đó, hãy tưởng tượng một hình tam giác xung quanh mắt và miệng của người đó.


Trong khi trò chuyện, hãy chuyển tầm nhìn của bạn sau khoảng 5 - 10 giây từ điểm này sang điểm khác của tam giác. Đây là một cách tinh tế để duy trì giao tiếp bằng mắt mà không tạo cảm giác quá thân mật.



10.                  Thực hành các kỹ năng phi ngôn ngữ khác


Giao tiếp bằng mắt là một phần thiết yếu của ngôn ngữ cơ thể, nhưng nó không phải là điều quan trọng duy nhất. Trên thực tế, giao tiếp bằng mắt có thể trở nên dễ dàng hơn khi bạn tập trung vào việc cải thiện tổng thể các kỹ năng ngôn ngữ cơ thể của mình.


Hãy bắt đầu với việc xoay người hướng về phía người kia. Điều này cho thấy bạn là người cởi mở và thân thiện. Đặt mọi vật dụng gây mất tập trung, chẳng hạn như điện thoại của bạn sang một bên. Thả lỏng vai và cố gắng duy trì tư thế tự tin. Để biết các mẹo cụ thể về làm chủ ngôn ngữ cơ thể, hãy xem hướng dẫn toàn diện của chúng tôi.



11.                  Hơi ngả người ra sau


Khi nói chuyện với một người lạ, bạn nên giữ khoảng cách giữa hai người. Bạn sẽ không muốn xâm phạm không gian cá nhân của ai đó. Tất nhiên, khái niệm về không gian cá nhân này có phần chủ quan.


Theo một bài báo trên tờ The Spruce, bạn nên cố gắng đứng cách xa người lạ ít nhất bốn bước chân. Đối với bạn tốt hoặc gia đình, quy tắc ngón tay cái là khoảng 1,5 - 3 feet. Nếu ai đó bắt đầu nghiêng người ra xa bạn, đó là dấu hiệu bạn có thể đang xâm phạm không gian của họ. Hãy lùi lại một chút.



12.                  Luyên tập thay đổi giao tiếp bằng mắt một cách hiệu quả


Bạn nên thay đổi giao tiếp bằng mắt sau mỗi 5 giây hoặc lâu hơn. Đó là thời gian để hoàn thành một câu hoặc một suy nghĩ. Tất nhiên, bạn không nên đếm từng giây trong suốt cuộc trò chuyện. Làm như vậy sẽ khiến bạn bị phân tâm.


Bạn càng luyện tập cách liếc nhìn xung quanh hình tam giác thì nhịp điệu của câu nói càng trở nên tự nhiên hơn.

Nếu bạn đang nói chuyện với một nhóm, hãy cố gắng chuyển sự giao tiếp bằng mắt sau khi mỗi người nói. Nếu không, bạn có thể trông như đang quá tập trung vào một người.



13.                  Thực hành quy tắc 50/70


Theo bài báo này của Đại học Bang Michigan, bạn nên cố gắng tập trung vào việc duy trì giao tiếp bằng mắt trong khoảng 50% thời gian khi bạn nói và 70% thời gian khi bạn nghe.


Việc kiểm tra các tỷ lệ phần trăm này là không thể (trừ khi bạn tự quay video!), nhưng hãy cố gắng nhắc nhở bản thân về con số này trước khi bạn bắt đầu một cuộc trò chuyện. Tư duy này có thể giúp bạn tập trung vào mục tiêu của mình.



14.                  Khi lắng nghe, hãy nhìn sang một bên thay vì nhìn xuống


Nếu bạn bắt đầu cảm thấy không thoải mái, hãy cố gắng chuyển hướng nhìn về một bên phía người đó thay vì nhìn xuống sàn nhà. Điều này có thể báo hiệu cho họ biết rằng bạn đang xử lý thông tin của cuộc trò chuyện hoặc đang cố gắng nhớ lại thông tin quan trọng thay vì cảm thấy không thoải mái.



15.                  Hạn chế chớp mắt thường xuyên


Trung bình, chúng ta chớp mắt khoảng 15 - 20 lần trên một phút.[7] Chớp mắt giúp bôi trơn giác mạc và bảo vệ mắt bạn khỏi các chất kích ứng. Tất nhiên, đây là một quá trình tự nhiên mà có lẽ bạn không nghĩ về nó.

Tuy nhiên, bạn có thể chớp mắt quá nhiều khi cảm thấy lo lắng. Cố gắng nghĩ về cách thức và thời điểm bạn chớp mắt. Nhận thức chính là bước đầu tiên để tiến tới sự thay đổi. Nếu tình trạng nháy mắt không tự biến mất, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để làm một bài kiểm tra mắt.



16.                  Thử thách bản thân bằng việc nói chuyện nhiều hơn với người lạ.


Nếu bạn nghĩ về vấn đề này, có vô số cơ hội để thực hành giao tiếp bằng mắt. Bạn chỉ cần sẵn sàng nỗ lực. Ra ngoài thường xuyên hơn. Khi bạn làm việc vặt, hãy nói chuyện phiếm với nhân viên cửa hàng. Nếu bạn đi ngang qua một người hàng xóm khi đang đi bộ, hãy giao tiếp bằng mắt và mỉm cười với họ.



17.                  Tham gia một lớp học nói trước đám đông


Nếu ý tưởng về việc nói chuyện trước một nhóm lớn khiến bạn cảm thấy lúng túng, bạn nên bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nhiều tổ chức cộng đồng có các lớp học nói trước đám đông. Ngay cả khi chúng khiến bạn cực kỳ lo lắng, những lớp học này sẽ buộc bạn phải phát triển và thử các kỹ năng mới.



18.                  Thử trị liệu


Kỹ thuật tự lập có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi ở cạnh mọi người. Nhưng nếu bạn vẫn đang gặp khó khăn, bạn nên nói chuyện với một chuyên gia. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm hoặc lo lắng.


Chúng tôi đề xuất BetterHelp cho trị liệu trực tuyến vì họ cung cấp tin nhắn không giới hạn và một buổi hàng tuần, rẻ hơn nhiều so với việc đến phòng khám của một nhà trị liệu thực tế. Chúng cũng rẻ hơn Talkspace về những gì bạn nhận được. Bạn có thể tìm hiểu thêm về BetterHelp tại đây.



19.                  Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc sử dụng thuốc


Nếu bạn phải vật lộn với chứng lo âu trầm trọng, thuốc có thể giúp ích cho bạn. Có rất nhiều lựa chọn nhưng điều quan trọng là phải xem xét các tác dụng phụ tiềm ẩn. Hãy cân nhắc trao đổi với bác sĩ về sự lựa chọn tốt nhất cho bạn.



Những câu hỏi thường gặp



Tại sao giao tiếp bằng mắt lại quan trọng đến vậy?


Giao tiếp bằng mắt là một hình thức quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ.[1] Giao tiếp bằng mắt - hoặc thiếu giao tiếp bằng mắt - có thể biểu lộ cảm xúc của bạn. Nó cũng giúp bạn xây dựng các mối quan hệ và giữ cho cuộc trò chuyện luôn trôi chảy.



Không giao tiếp bằng mắt có phải là thô lỗ không?


Một số người có thể coi nó là thô lỗ. Giao tiếp bằng mắt thể hiện bạn là người thân thiện và dễ gần. Nó cũng cho thấy rằng bạn đang chú ý đến những gì họ nói. Ngay cả khi mọi người không thấy bạn thô lỗ, họ có thể nghĩ rằng bạn đang buồn chán, sao lãng hoặc lo lắng trong cuộc trò chuyện.



Giao tiếp bằng mắt tốt có nghĩa là gì?


Những người giao tiếp bằng mắt tốt sẽ duy trì được sự kết nối khi họ đang nói. Nếu họ đang nói chuyện với một nhóm, họ sẽ chia đều sự giao tiếp bằng mắt. Họ không nhìn chằm chằm vào người này hay người kia. Thay vào đó, họ thường cố gắng để phản ánh các tín hiệu phi ngôn ngữ của người khác.



Tại sao tôi lại tránh giao tiếp bằng mắt?


Bạn có thể cảm thấy lo lắng, ngại ngùng hoặc không thoải mái, đặc biệt nếu bạn không hiểu rõ về người kia. Chúng có xu hướng là những lý do phổ biến nhất. Bạn cũng có thể bị phân tâm, điều này khiến bạn tự nhiên tập trung vào việc khác.



Giao tiếp bằng mắt kém có phải là dấu hiệu của sự kém tự tin?


Thỉnh thoảng. Nếu bạn không thể giao tiếp bằng mắt với ai đó, điều đó có nghĩa là bạn cảm thấy bị đe dọa hoặc lo lắng khi ở gần họ. Nó cũng có thể có nghĩa là bạn đang cảm thấy không an toàn, điều này có thể giải thích tại sao bạn hay nhìn đi chỗ khác.



Rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder) có gây ra các vấn đề về giao tiếp bằng mắt hay không?


Những người mắc chứng lo âu xã hội sợ bị người khác đánh giá tiêu cực. Họ có xu hướng nhận thức rõ ràng hơn về những lo lắng của mình, và điều đó có thể khiến họ không cảm thấy tự tin trong việc giao tiếp xã hội. Nếu mắc chứng lo âu xã hội, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra hoặc duy trì giao tiếp bằng mắt.



Hội chứng tự kỷ (Autism) hoặc tự kỷ chức năng cao (Asperger) có thể gây ra các vấn đề về giao tiếp bằng mắt không?


Có. Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng đến giao tiếp phi ngôn ngữ và xử lý cảm xúc. Các vấn đề về giao tiếp bằng mắt là một trong những dấu hiệu sớm nhất của tự kỷ và một người lớn mắc chứng tự kỷ thường sẽ gặp phải vấn đề tương tự.[2]



Chấn thương tâm lý (Trauma) có ảnh hưởng đến giao tiếp bằng mắt không?


Những người có tiền sử bị tổn thương có thể gặp khó khăn khi giao tiếp bằng mắt. Điều này xảy ra vì chấn thương tâm lý về cơ bản có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Họ có thể liên tưởng việc giao tiếp bằng mắt với sự đe dọa, đau đớn hoặc sợ hãi.[3]



Nếu tôi sợ giao tiếp bằng mắt thì sao?


Đó là một nỗi sợ thông thường, nhưng bạn có thể vượt qua nỗi sợ hãi này bằng cách tập luyện. Hãy nhớ rằng hầu hết mọi người đều cảm thấy có chút lo lắng khi giao tiếp xã hội. Nhưng bạn càng làm việc với kỹ năng này, bạn sẽ càng cảm thấy tự tin hơn.



Làm thế nào để biết khi nào cần giao tiếp bằng mắt với người lạ?


Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của họ. Họ có đang giao tiếp bằng mắt với bạn không? Họ có đang mỉm cười và tỏ ra hứng thú với cuộc trò chuyện không? Nếu có, đây là những dấu hiệu tốt cho thấy họ muốn kết nối, ngay cả khi chỉ để nói chuyện phiếm.



Các nền văn hóa khác nhau cảm nhận như thế nào về giao tiếp bằng mắt?


Ở Mỹ, hầu hết mọi người xem giao tiếp bằng mắt là một phần thiết yếu của sự kết nối giữa con người. Mọi người đánh đồng giao tiếp bằng mắt với sự tự tin và tôn trọng. Nhưng các quy tắc giao tiếp bằng mắt khác nhau ở từng nơi. Ví dụ, ở một số nước phương Đông, giao tiếp bằng mắt có thể bị coi là thô lỗ hoặc thiếu tôn trọng.[4]


Nói chung, bạn nên cố gắng giáo dục bản thân về những khác biệt văn hóa này. Nếu bạn muốn kết bạn, bạn cần cởi mở với việc tiếp thu các quan điểm. Nếu bạn dự định đi du lịch đến một quốc gia khác, theo thông lệ, bạn nên tìm hiểu về các quy tắc và phép xã giao cơ bản.



Hiểu rằng giao tiếp bằng mắt là quan trọng để tồn tại


Giao tiếp bằng mắt không chỉ là kết nối với ai đó và tận hưởng khi ở cùng họ. Đó cũng là một nhu cầu sơ khai. Chúng ta sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ để xác định xem người khác có an toàn và đáng tin cậy hay không.

Nếu bạn dành đủ thời gian cho con, bạn có thể nhận thấy rằng chúng dõi theo ánh nhìn của bạn một cách mãnh liệt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh có nhiều khả năng nhìn theo mắt của người chăm sóc hơn là chỉ sự chuyển động của đầu. Đó là vì chúng ta có khả năng sử dụng giao tiếp bằng mắt để kết nối với người khác một cách bản năng.[5]


Nhớ rằng giao tiếp bằng mắt tốt là một con đường hai chiều


Đừng quá khắt khe với bản thân nếu giao tiếp bằng mắt là một thách thức. Kết nối với những người khác là riêng tư và có thể khiến bạn cảm thấy dễ bị tổn thương. Cả hai người đều cần phải nỗ lực và đó thực sự là một cuộc đấu tranh chung!


Nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta cảm thấy gắn kết nhất khi cả hai người giao tiếp bằng mắt với nhau. Điều này là do việc trao đổi trực tiếp bằng mắt sẽ kích thích hệ thần kinh tự chủ (autonomic nervous system).[6]

 


Giao tiếp bằng mắt quá nhiều có thể đáng lo


Giao tiếp bằng mắt tốt là có sự cân bằng. Giao tiếp bằng mắt quá ít có thể khiến bạn trông lo lắng hoặc bất an. Nhưng giao tiếp bằng mắt quá nhiều có thể làm người khác rùng mình. Nó cũng có thể khiến bạn trông hung dữ hoặc đáng sợ.


Tránh nhìn chằm chằm vào mọi người. Nếu bạn băn khoăn rằng bạn có thể đang thực hiện được điều này hay không, hãy xem hướng dẫn toàn diện của chúng tôi về cách duy trì tự tin khi giao tiếp bằng mắt mà không lạm dụng nó.


Tài liệu tham khảo:

1.                 Kleinke, C. L. (1986). Gaze and eye contact—A research review. Psychological Bulletin,100(1), 78–100.

2.                 Trevisan, D. A., Roberts, N., Lin, C., & Birmingham, E. (2017). How do adults and teens with self-declared Autism Spectrum Disorder experience eye contact? A qualitative analysis of first-hand accounts. PLOS ONE, 12(11), e0188446.

3.                 Harricharan, S., Rabellino, D., Frewen, P. A., Densmore, M., Théberge, J., McKinnon, M. C., Schore, A. N., & Lanius, R. A. (2016). fMRI functional connectivity of the periaqueductal gray in PTSD and its dissociative subtype. Brain and Behavior, 6(12).

4.                 Uono, S., & Hietanen, J. K. (2015). Eye Contact Perception in the West and East: A Cross-Cultural Study. PLOS ONE, 10(2), e0118094.

5.                 Harvit, P. (2020). Mind Your Manners: Science backs up the importance of eye contact. Charleston Gazette-Mail.

6.                 6Jarick, M., & Bencic, R. (2019). Eye Contact Is a Two-Way Street: Arousal Is Elicited by the Sending and Receiving of Eye Gaze Information. Frontiers in Psychology, 10.

7. Nakano, T., Kato, M., Morito, Y., Itoi, S., & Kitazawa, S. (2012). Blink-related momentary activation of the default mode network while viewing videos. Proceedings of the National Academy of Sciences, 110(2), 702–706.


------------

Dịch bởi: Boba

Biên tập: Cẩm Ly

Ảnh: Unplash

Tham khảo: 

Viktor Sander B.Sc, B.A. (2021). What Avoiding Eye Contact Means And What to Do About It [Online] Available at: <https://socialpronow.com/blog/avoiding-eye-contact/> [Accessed 4 August 2021]

------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan